Chuyện kể về Lý Tự Trọng

Bạn đọc thân mến!

Trong suốt chiều dài lịch sử, thanh niên nước ta hết thế hệ này đến thế hệ khác, đã luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong lịch sử dân tộc đã từng có nhiều lãnh tụ thiên tài, anh hùng lỗi lạc, lập nhiều chiến công xuất sắc lúc đang còn ở tuổi thanh niên. Tiêu biểu như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Triệu Thị Trinh, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ,...

Hôm nay, thư viện nhà trường xin gửi đến bạn đọc cuốn sách kể về một thế hệ thanh niên anh hùng, là dấu son đỏ thắm của Đoàn Thanh niên cộng sản Việt Nam. Cuốn sách có cái tên giản dị: "Chuyện kể về Lý Tự Trọng" của tác giả Lê Quốc Sử, được NXB Kim Đồng ấn hành năm 2009.

Ấn tượng đầu tiên khi chúng ta nhìn vào cuốn sách là hình ảnh trang bìa với tượng đài anh hùng Lý Tự Trọng đứng hiên ngang, bên trên là lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ cùng với nền xanh trang nhã- màu xanh của bầu trời hoà bình tự do. Một bức ảnh đen trắng tuy không còn rõ nét nhưng vẫn toát nên nét trẻ trung, rắn rỏi. Phía dưới bức ảnh ấy là dòng chữ ghi tên anh cùng với năm sinh, năm mất. Người đọc sẽ không khỏi bùi ngùi thương tiếc vì tuổi đời vị anh hùng thật ngắn ngủi. Anh đã hi sinh khi mới 17 tuổi.

Chắc hẳn bạn đọc sẽ rất muốn tìm hiểu xem cuộc đời vị anh hùng trẻ tuổi ấy như thế nào? Anh có những chiến công vẻ vang ra sao?

Phần nội dung cuốn sách phản ánh cuộc đời từ ấu thơ cho đến lúc Lý Tự Trọng anh dũng hy sinh. Qua từng trang sách người đọc sẽ bắt gặp hình ảnh cậu bé Trọng thông minh, nhanh nhẹn sớm được gần gũi với các bậc cha anh yêu nước. Tuy nhỏ tuổi nhưng sáng dạ và chăm chỉ học hành, cậu bé trọng đã sớm thuộc làu nhiều đoạn thơ yêu nước của Phan Bội Châu.

Lý Tự Trọng là một trong những thiếu niên đầu tiên được Bác Hồ rèn luyện, đào tạo tại Trung Quốc đã góp phần tích cực vào việc liên lạc, tổ chức chuyển thư từ, tài liệu của Đảng về nước. Khi tình hình cách mạng đã có chuyển biến mới, giữa năm 1929 Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn đảm nhiệm việc liên lạc trong và ngoài nước; đồng thời Lý Tự Trọng được giao một nhiệm vụ đặc biệt là vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn thanh niên cộng sản. Đây là một công việc hết sức nguy hiểm, bọn mật thám suốt ngày lùng sục, nhưng với tài trí thông minh, Lý Tự Trọng đã vượt qua tất cả và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Ngày mồng 8 tháng 2 năm 1931, Lý Tự Trọng bị bắt vì đã bắn chết một tên mật thám để cứu đồng chí mình đang diễn thuyết tố cáo tội ác của thực dân Pháp, kêu gọi nhân dân đấu tranh. Khi bị giam cầm, tra tấn dã man, nhưng Lý Tự Trọng vẫn giữ vững chí khí không hề rung sợ khai báo. Không khai thác được gì ở anh, chính quyền thực dân Pháp đã mở phiên tòa đại hình kết án tử hình người chiến sĩ cộng sản Việt Namchưa mới 17 tuổi. Những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, Lý Tự Trọng vẫn lạc quan, động viên các bạn trẻ nêu cao ý chí cách mạng. Ngày 21 tháng 11 năm 1931 do không dám xử công khai Lý Tự Trọng, thực dân Pháp đã hèn hạ dựng máy chém ở ngay khám lớn Sài Gòn để giết anh trong im lặng.

Cái chết cao cả, và tấm gương đấu tranh kiên cường anh dũng với câu nói nổi tiếng "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng chứ không thể có con đường nào khác" của người Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản đầu tiên ngày 21-11-1931 đã tạo nên truyền thống đấu tranh bất khuất của thế hệ thanh niên Việt Nam hồi đó, lại càng dâng cao như lửa thêm dầu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vô cùng oanh liệt. Ngọn lửa bất diệt bốc cháy trong lòng Lý Tự Trọng, đã tiếp tục bốc cháy mãi mãi trong lòng các thế hệ thanh niên Việt Nam.

Tuy chỉ với 130 trang sách, nhưng tác giả Lê Quốc Sử với lối viết gần gũi, mô tả nhiều chi tiết cảm động bi hùng đã dựng được tượng đài người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi Lý Tự Trọng trong lòng người đọc.

Trên đây là cuốn sách Chuyện kể về Lý Tự Trọng có trong thư viện nhà trường mà cô muốn giới thiệu tới các em. Hy vọng các em sẽ tìm đọc chúng, yêu thích và ngày càng đam mê đọc sách.

Xin chúc các em sẽ tìm thấy niềm vui riêng của mình trong từng cuốn sách.

---THƯ VIỆN TRƯỜNG TH&THCS A XÃ ĐỒNG TÂM---

Nội dung khác

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Ý KIẾN PHẢN HỒI

MỌI Ý KIẾN PHẢN ÁNH VUI LÒNG LIÊN HỆ:

HOTLINE :

EMAI : c12.lat.dota@hoabinh.edu.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay : 69
Hôm qua : 65
Tất cả : 525